GS.TSKH. Đỗ Tất Lợi: Một sự nghiệp vẻ vang với cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

     GS.TSKH. Đỗ Tất Lợi: Một sự nghiệp vẻ vang với cây thuốc và vị thuốc Việt NamGS.TSKH. Đỗ Tất Lợi - người nổi tiếng với công trình rất giá trị là bộ sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam với bộ sách này, ông đã được Hội đồng Khoa học Viện Hóa dược Leningrad (Liên Xô) công nhận học vị Tiến sĩ Khoa học.

    Trong thời gian vừa qua, sau thành công của hai bộ phim về đoàn LX51, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tiếp tục kết hợp với VTV cho ra mắt khán giả bộ phim tài liệu về GS.TSKH Đỗ Tất Lợi – nhà khoa học làm rạng danh cho nền dược học Việt Nam.
    Năm 1954, hòa bình lập lại, DS. Đỗ Tất Lợi được cử làm Chủ nhiệm Bộ môn Dược liệu - Thực vật, sau đó ông là Chủ nhiệm bộ môn Dược liệu của Trường đại học Y - Dược khoa. Ông đã xây dựng Bộ môn Dược liệu trưởng thành và phát triển, trở thành một bộ môn có những đóng góp quan trọng cho ngành trong 10 năm đầu xây dựng hòa bình và những năm kháng chiến chống Mỹ.

    GS.TSKH. Đỗ Tất Lợi - người nổi tiếng với công trình rất giá trị là bộ sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam với bộ sách này, ông đã được Hội đồng Khoa học Viện Hóa dược Leningrad (Liên Xô) công nhận học vị Tiến sĩ Khoa học.

    • Công trình khoa học đã được Nhà nước Việt Nam tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Kỹ thuật năm 1996.
    • Chủ tịch nước Lê Đức Anh trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho GS.TSKH. Đỗ Tất Lợi tại Phủ Chủ tịch ngày 30/10/1996.
    • GS.TS. Đỗ Tất Lợi sinh ngày 28/3/1919, tại làng Phù Xá, xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn - Hà Nội trong một gia đình làm nghề nông.

    Trong thời kỳ là sinh viên Đại học Y - Dược Hà Nội ông được cụ lang Lê Văn Sáp, người đã từng chữa khỏi gãy tay cho ông lúc nhỏ bằng thuốc Nam, truyền dạy và hướng dẫn sưu tầm các bài thuốc, cây thuốc hay. Đó là sự khởi đầu hướng cho ông sự đam mê muốn tìm hiểu những tinh hoa của nền y - dược học cổ truyền. Ông là một trong 6 người tốt nghiệp dược sĩ cao cấp năm 1944, ông mở một hiệu thuốc Tây ở phố Hàng Gai, Hà Nội. Hiệu thuốc của ông khác người với biển hiệu không đề tiếng Pháp là Pharmacie như các nhà khác mà ghi Hiệu thuốc để chỉ rõ khí phách độc lập của người Việt Nam.

    Cách mạng Tháng Tám thành công, rồi kháng chiến toàn quốc 19/12/1946, DS. Đỗ Tất Lợi cùng với nhiều trí thức yêu nước đã gia nhập quân đội. Ông đã gặp BS. Vũ Văn Cẩn, Cục trưởng Cục Quân y, đề nghị tổ chức việc bào chế để tự sản xuất thuốc, chủ động có thuốc chữa bệnh cho bộ đội, cho đồng bào. Cục Quân y đã quyết định thành lập Viện Khảo cứu và Chế tạo dược phẩm để thực hiện tự lực cánh sinh, sản xuất  thuốc với nguyên liệu sẵn có trong nước. Viện này lúc đầu do DS. Vũ Công Thuyết phụ trách, sau đó giao cho DS. Đỗ Tất Lợi phụ trách trong suốt thời kỳ kháng chiến.

    Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, giữa rừng sâu Việt Bắc, vượt qua muôn vàn khó khăn, DS. Đỗ Tất Lợi cùng cán bộ Viện Khảo cứu và Chế tạo dược phẩm đã nghiên cứu và bào chế các thuốc, sản xuất một số hóa chất, cất cồn cao độ, cất tinh dầu và một số chất được chiết từ các cây cỏ để có thuốc phục vụ bộ đội và nhân dân... Ông còn đảm nhiệm các nhiệm vụ: Giám đốc chuyên môn Nha Quân dược, Trưởng phòng Dược chính Cục Quân y.

    Chủ tịch nước Trần Đức Lương đến thăm GS. Đỗ Tất Lợi và gia đình ngày 31/1/2000 (25 tháng Chạp  năm Kỷ Mão).

    Năm 1954, hòa bình lập lại, DS. Đỗ Tất Lợi được cử làm Chủ nhiệm Bộ môn Dược liệu - Thực vật, sau đó ông là Chủ nhiệm bộ môn Dược liệu của Trường đại học Y - Dược khoa. Ông đã xây dựng Bộ môn Dược liệu trưởng thành và phát triển, trở thành một bộ môn có những đóng góp quan trọng cho ngành trong 10 năm đầu xây dựng hòa bình và những năm kháng chiến chống Mỹ. Bộ môn đã xây dựng được chương trình, đã xuất bản được giáo trình Dược liệu học và các vị thuốc Việt Nam, là tài liệu giáo khoa đào tạo nhiều thế hệ dược sĩ và cán bộ y tế nước ta, làm cho mọi người tin tưởng vào nguồn dược liệu vô cùng phong phú của đất nước, hiểu rõ và tự hào về nền Y - Dược dân tộc, về những bậc tiền bối như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông. GS. Đỗ Tất Lợi đã cần cù làm việc trong phòng thí nghiệm và đặc biệt trở thành “con người điền dã” đi tìm kiếm và sưu tầm cây thuốc trên mọi miền đất nước. Giáo sư là người chỉ đạo chuyên môn cho 2 đợt điều tra sưu tầm dược liệu quy mô lớn ở miền Bắc Việt Nam.

    GS. Đỗ Tất Lợi có gần bốn chục năm giảng dạy tại Trường đại học Y Dược khoa Hà Nội, là người thầy dạy về dược liệu học cho nhiều thế hệ dược sĩ Việt Nam và đã được Nhà nước công nhận chức danh giáo sư dược học năm 1980. Với trí thức uyên bác, tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm, với sự say mê yêu nghề, GS. Đỗ Tất Lợi đã dành nhiều công sức và làm việc không mệt mỏi để đào tạo các dược sĩ trẻ. Các buổi lên lớp của giáo sư là sự truyền cảm hứng với những dòng thác thông tin sáng sủa, chặt chẽ, mạch lạc, làm cho học trò yêu quý cây thuốc Việt Nam, tin tưởng nguồn tài nguyên thuốc rất lớn trên rừng vàng biển bạc, có thể chữa được nhiều bệnh. Giáo sư đã công bố trên 113 công trình khoa học đã được in bằng các thứ tiếng Việt, Nga, Pháp, Đức, Rumani. Giáo sư đã hướng dẫn trên 50 luận văn, luận án đào tạo dược sĩ đại học và sau đại học.

    Dược sĩ Đỗ Tất Lợi tại Phòng thí nghiệm Bộ môn Dược liệu (1962).

    • Sách Những cây thuốc và các vị thuốc Việt Nam xuất bản lần thứ nhất (1962-1965), in làm 6 tập. Các lần xuất bản sau được in thành một quyển dày 1.276 trang khổ lớn, trình bày đẹp. Sách có 62 trang in màu, mỗi trang có 4 ảnh màu giúp nhận dạng đúng cây thuốc. Năm 2015, sách đã được in lần thứ XIX - một hiện tượng đặc biệt trong ngành xuất bản nước ta.
    • Sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam đã trở thành kim chỉ nam quý giá của rất nhiều thầy thuốc nước ta, được nhiều cơ quan y - dược dùng để tham khảo và được nhiều chuyên gia y học nước ngoài hoan nghênh.

    Cố Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch đã nhận xét: “...Bộ sách rất tốt, rất dễ hiểu, nội dung phong phú, cái hay ở đây là trình bày kinh nghiệm bản thân cùng với kinh nghiệm dân gian và kinh nghiệm nước ngoài”.

    Cố GS. Đỗ Nguyên Phương, Bộ trưởng Bộ Y tế đã viết: “Mỗi lần xuất bản bộ sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, tác giả đều sửa chữa bổ sung một cách thận trọng. Ngay trong lần xuất bản này, tuy tuổi đã cao, GS. Đỗ Tất Lợi đã để mấy năm rà soát, sửa chữa và sưu tầm nghiên cứu thêm một số cây mới, vị thuốc mới và hoàn chỉnh bản thảo một cách nghiêm túc”.

    Cuốn sách này, năm 1968 DS. Đỗ Tất Lợi là người Việt Nam đầu tiên được Hội đồng Khoa học Viện Hóa dược Leningrad (nay là Saint Petersburg) đã bỏ phiếu thuận 100% phong tặng đặc cách cho ông danh hiệu Tiến sĩ Khoa học, không cần báo cáo và bảo vệ luận án. Tại Hội đồng, GS.TS. khoa học A.F. Hammerman nói: “Trong rất nhiều bộ sách về cây thuốc nhiệt đới đã xuất bản trên thế giới, chưa có bộ sách nào so sánh được với bộ sách của Đỗ Tất Lợi về mức độ chính xác, tỉ mỉ, khoa học”. Năm 1983, tại Triển lãm Hội chợ sách quốc tế ở Mát-xcơ-va (Liên Xô), sách được bình chọn là một trong 7 viên ngọc quý của Triển lãm sách. Năm 2006, Hiệp hội Xuất bản châu Á - Thái Bình Dương (APPA) đã trao giải đặc biệt cho cuốn sách.

    Bìa sách xuất bản lần thứ XIX.

    GS. Đỗ Tất Lợi đã là người kế thừa xuất sắc và phát huy tốt di sản của Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông.  Như lời Danh y Tuệ Tĩnh ở thế kỷ thứ XIV đã khẳng định:

    Tôi tiên sư kính đạo tiên sư

    Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt.

    Từ “tôi” ở đây, Tuệ Tĩnh coi mình là người học trò, là bề tôi của người thầy (tiên sư), do vậy, phải kính trọng cái đạo của thầy là tìm thuốc quý sẵn có ở vùng Nam Việt để cứu chữa cho người Nam Việt.

    GS. Đỗ Tất Lợi đã được Nhà nước tặng giải thưởng cao nhất của Việt Nam: Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật lần thứ nhất năm 1996. Sau Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, GS. Đỗ Tất Lợi được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2001 về những cống hiến cho khoa học và đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

    Giáo sư là người sáng lập và được bầu là Chủ tịch Hội Dược liệu Việt Nam tại Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Hội tại Hà Nội ngày 21/9/1999.

    Là một tri thức uyên bác, nhưng giáo sư có cuộc sống giản dị, cởi mở và nhân ái với tất cả mọi người. Các đồng nghiệp, học trò hay người bệnh khi đến ông, đều được ông sẵn sàng giúp đỡ và chỉ bảo tận tình. Phong cách sống của giáo sư là: “Trước mọi khó khăn, luôn hành động để chứng minh bằng công việc và khi đã yêu công việc, mọi chuyện khác đều nhẹ đi”.

    GS.TS. Đỗ Tất Lợi đã từ trần ngày 3/2/2008 thọ 90 tuổi. Sống thọ như vậy, chỉ có một lần ông phải dùng đơn thuốc Tây khi mổ mắt. Những lần ốm bệnh, ông không bao giờ uống kháng sinh; khi bị cảm sốt ông không bao giờ dùng aspirin mà đều dùng thuốc Nam. Ông cũng hướng dẫn cho những người trong gia đình và cho bệnh nhân khắp trong nước và ngoài nước dùng thuốc Nam chữa bệnh.

    GS. Đỗ Tất Lợi đã dành cả cuộc đời vì sự nghiệp nghiên cứu và phổ biến các cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, là người luôn cổ vũ tất cả các thầy thuốc và người bệnh “Người Việt Nam phải dùng thuốc Nam. Cây thuốc có trong rừng vàng biển bạc, có trên khắp mọi miền của đất nước ta”. GS. Đỗ Tất Lợi - một tấm gương làm khoa học vì mọi người, vì mọi nhà.

    Đăng bởi: VinaPhaco bài đăng : 07/05/2022 03:01:55

Xem thêm các tin cũ hơn